Lịch sử trà đạo Nhật Bản có từ rất lâu. Nó bắt đầu xuất hiện từ thế kỉ XII, khi nhà sư Eisai sang Trung Hoa để tham vấn học đạo, và ông đã được biết tới tác dụng tuyệt vời của trà. Khi trở về nước, nhà sư đã đem về một số hạt trà giống để trồng, đồng thời ông cũng phổ biến về những tác dụng của trà xanh, và cách thức uống trà cho phật tử và nông dân ở nhiều khu vực khác nhau.
Nội dung chính
Văn hóa và nghi lễ trà đạo Nhật Bản
Ông còn sáng tác ra cuốn “Kissa Yojoki” (Khiết trà dưỡng sinh ký), nội dung của cuốn sách ghi lại tất cả những thú vui khi uống trà. Vào thời kì đó, ở Nhật Bản có nhiều cây trà hoang mọc rải rác nhiều nơi nhưng chất lượng kém nên không được chăm sóc và nhân giống.
Những cây trà được trồng từ những hạt giống do nhà sư EiSai mang về có chất lượng ngon hơn và sức sống tốt hơn nên được gọi là Honcha (Trà chính gốc).
Trong những thời kì tiếp theo, trà dần được sử dụng khá phổ biến trong giới quý tộc, họ đã tổ chức ra các cuộc thi đấu đoán tên trà.
Dần dần nó đã trở thành thú vui và văn hóa uống trà của tầng lớp thượng lưu.
Đặc biệt thời kì này những dụng cụ uống trà của Trung Quốc cũng rất đẹp và rất được ưu chuộng, nên tầng lớp thượng lưu Nhật Bản cũng rất thích thú với bộ dụng cụ trà thời kì này.
Nguồn gốc của văn hóa trà đạo Nhật Bản
Chắc các bạn cũng biết thì trà và phật giáo có liên quan rất mật thiết với nhau, nghệ thuật thưởng trà và thiền trà luôn luôn gắn liền với nhau. Từ xưa đã có những truyền thuyết về nguồn gốc của các loại trà liên quan tới phật giáo.
Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản mãi tới thế kỉ XIV mới xuất hiện. Do nhà sư Murata Juko, ông đã tìm thấy vẻ đẹp giản dị trong văn hóa thưởng trà hòa cùng với tinh thần Zen (Thiền) trong Phật giáo.
Từ đó hình thành lên văn hóa Trà đạo (Chanoyu hay Chado).
Thế kỷ XVI, Trà sư Senno Rikyu là người tạo ra bước ngoặt quan trọng, tạo nên văn hóa trà đạo trong giới Samurai (võ sĩ đạo).
Senno Rikyu là thầy dạy trà đạo cho Oda Nobunaga (Shogun – người đứng đầu giới võ sĩ) của thời Azuchi.
Sau khi Oda Nobunaga chết, Toyotomi Hideyoshi lên thay thế (thời Momoyama) thì Senno Rikyu tiếp tục dạy cho ông này.
Hoạt động của Senno Rikyu rất phổ biến và có sự ảnh hưởng sâu rộng trong tầng lớp võ sĩ, ảnh hưởng mạnh đến chính trị thời kì đó.
Thế kỉ XVII, Trà sư Furuta Oribe đem sự tinh tế của Nghệ thuật Trà Đạo hòa vào mạch sống của quần chúng.
Chính điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống văn hóa, tinh thần và tâm linh sâu sắc của người Nhật về sau.
Trong tiếng Nhật, trà được phiên âm là “Cha”. Trà xanh gọi là “Ocha”, và trà đỏ gọi là “Kocha”.
Trà ở Nhật Bản được trồng tập trung tại những khu vực có khí hậu ấm, trong đó sản lượng trà của tỉnh Shizuoka chiếm tới một nửa tổng sản lượng trà của toàn nước Nhật.
Việc hái trà được thực hiện vào đầu tháng 5, loại trà hái vào thời điểm này được gọi là Ichibancha (Trà nhất); loại trà hái vào cuối tháng 6, gọi là Nibancha (Trà nhì); loại trà hái cuối mùa vào cuối tháng 7, gọi là Sanbancha (Trà ba).
Vào đầu mùa, thành phần trà có nhiều axit amin nên có vị thanh. Khi trà về cuối vụ, có nhiều tanin nên vị chát hơn.
Trà thành phẩm dùng làm thức uống phổ biến chia làm 3 loại: Trà Gyokuro (Trà cao cấp), trà Sencha (Trà trung cấp), và trà Bancha (Trà thứ cấp).
Bột Trà xanh Matcha là loại đặc biệt, lá trà được nghiền thành bột mịn, từ xưa trà xanh matcha được sử dụng chủ yếu trong Trà Đạo Nhật Bản.
Nhưng ngày nay nó đã rất phổ biến và được sử dụng rộng rãi vì nó có tác dụng hiệu quả hơn so với uống trà pha từ lá.
Đặc biệt cây trà được dùng để làm bột trà xanh phải được trồng trong bóng râm.
Trước khi thu hoạch vài tuần, người ta đậy kín những cây trà lại, làm giảm quá trình phát triển của cây trà và lá trà sẽ trở nên xanh thẫm hơn.
Sau đó, chỉ thu hái các búp trà có chất lượng tốt nhất.
Sau đó đem những chiếc lá trà đó đi phơi khô, một số nơi còn hấp chúng trước khi phơi.
Khi lá trà đã khô, người ta lột bỏ sống lá, phần lá còn lại được đem xay thành bột trà, gọi là Matcha.
Ngày nay, người Nhật đã có thêm nhiều cách pha trà khác nhau, tuy nhiên những cách pha trà này đều không đặc biệt như Trà đạo.
Tại Nhật, Trà đạo đã đi vào đời sống tinh thần của mỗi người dân, gắn bó hòa quyện với nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp khác.
Dụng cụ được sử dụng trong trà đạo Nhật Bản
Văn hóa trà đạo của Nhật Bản không chỉ thể hiện ở cách thức pha, mời trà và thưởng trà mà nó còn được đánh gia thông qua các vật dụng trong trà đạo.
– Kama (nồi đun nước): quai xách rời sẽ tháo ra khi vào buổi trà đạo. Nước từ ấm sẽ được lấy ra bằng Shaku để rót vào bát.
– Tetsubin (ấm đun nước): Đây là loại ấm nước bằng chất liệu gang thích hợp với kiểu pha trà rót nước trực tiếp từ ấm đun vào bát.
– Lò nhỏ: Một cái bếp lò nhỏ đủ để bắc chiếc ấm lên.
– Chawan (bát trà): có thể nói là thứ đặc trưng và giành được sự yêu quý vào quan trọng nhất của Trà đạo.
Bát trà được các trà nhân yêu quý như chính bản thân họ vậy. Nó không chỉ có giá trị về nghệ thuật, mà còn là sự ngưỡng mộ về lịch sử và văn hoá.
Bởi vậy việc một bát trà có giá trị bằng một căn nhà đối với người hiểu về bát, cũng không có gì là lạ.
Bát trà được làm bằng gốm. Chất liệu được ưa thích không phải là những chiếc bát tròn vẹn bóng bẩy kiểu Trung Quốc, mà là những chiếc bát thô sơ giản dị, và hơn nữa, là được làm bằng tay.
Chiếc bát trà thậm chí lại không tròn, phù hợp với lý tưởng của trà đạo là “tìm kiếm sự toàn vẹn trong cái bất toàn”.
Ở Nhật bản có rất nhiều dòng gốm nổi tiếng theo từng vùng, nhưng với các trà nhân Nhật Bản thì: “Nhất Raku, nhì Hazi, ba Karatsu”.
Ngoài ra có rất nhiều loại bát khác nhau, mang những đặc trưng riêng như: Mishima, Kohiki, Hakeme, Tenmokuyu…
Gốm sứ Việt Nam rất được các trà nhân ưa chuộng ngay từ thế kỉ XV, là thế kỉ phát triển rực rỡ của trà đạo. Với những thú chơi trà của người xưa đã rất được phổ biến
– Tách trà nhỏ: Để thưởng thức loại trà lá.
– Chakin (khăn lau): làm từ vải trắng, để lau bát trước khi pha trà. Chakin luôn phải sạch và ẩm, nhưng không được ướt, và phải là màu trắng.
– Natsume (hộp đựng trà): làm từ gỗ sơn mài, tùy vào từng trà nhân mà họ sẽ lựa chọn chiếc hộp đựng trà mang những nét đặc trưng riêng của mình.
Natsume có thể được trang trí hoa văn bên ngoài và trong buổi trà đạo hoa văn này được quay về phía những nơi trang trọng nhất.
Trà trước khi cho vào natsume phải được lọc cẩn thận để không vón cục ảnh hưởng đến hương vị.
Trà trong natsume được trình bầy theo hình núi Phú Sỹ (Fujii), vốn là biểu tượng của Nhật Bản.
– Chasaku (thìa xúc trà): làm bằng tre, dùng để múc trà ra bát. Giữa cán chasaku là khấc tre, và người cầm chasaku không được cầm quá khấc này, để đảm bảo tính vệ sinh của trà. Cũng là một nét đặc trưng trong tính lễ nghi của Trà đạo Nhật Bản.
– Chasen (chổi quấy): được làm bằng tre rất tinh tế. Đây là một dụng cụ đặc trưng cho cách pha trà bát, hay trà bột.
Để cho bát trà pha ra được ngon và đẹp mắt thì Chasen phải mới và các tua tre phải đều.
– Shaku (gáo múc nước): dùng để múc nước nóng từ kama vào bát, hoặc cho thêm nước lạnh từ ngoài vào nồi.
Các quy tắc dùng shaku đã tạo ra những nét hấp dẫn rất đặc trưng cho kiểu pha trà này, từ cách cầm dụng cụ, cách di chuyển đến tiếng nước róc rách chẩy từ shaku xuống bát trà.
– Futaoki: Đi kèm shaku là futaoki, là vật dụng kê nắp kama khi mở.
– Kensui: là đồ đựng nước bẩn, có thể làm bằng các chất liệu như tre, gốm
– Bánh: Trong những lễ hội và văn hóa trà đạo Nhật Bản thì bánh thường được sử dụng để thưởng thức cùng với trà. Những chiếc bánh có hình dáng nhỏ nhắn được tự tay trà chủ làm
Bánh truyền thống trong các nghi lễ được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên, bốn mùa, từ thơ Waka, Haiku (là các thể thơ cổ của Nhật Bản) và từ quê hương, đất nước.
Loại bánh ngọt được ưa chuộng thường có hình dáng trông như những đoá hoa anh đào đang hé nở giữa tiết Xuân, hoặc có hình lá phong, lá cúc tượng trưng cho mùa Thu…
– Tokonoma, là một góc phòng được trang trí và hơi thụt vào trong so với vách tường. Ở đó thường có các vật dụng sau:
+ Kakejiku: có thể là một bức tranh treo tường, một bức thư pháp hoặc thư họa.
Những bức thư pháp thường mang nghĩa sâu xa, có khi chỉ là một chữ “Vô”, góp phần làm tăng thêm sự trang trọng cho Trà thất.
+ Chabana: là phong cách cắm hoa đơn giản mà thanh lịch trong Trà đạo Nhật, nó có nguồn gốc sâu xa từ việc nghi thức hoá Ikebana (Hoa đạo).
Cha, nghĩa là “trà” và bana, biến âm của từ hana, có nghĩa là “hoa”.
Hoa có tác dụng làm cho căn phòng thêm sinh động, tạo cảm giác thoải mái, gần gũi với thiên nhiên cho người tham dự nghi lễ trà đạo.
Với Chabana, không có bất kỳ qui tắc chính thức nào để trở thành chuẩn mực cho nghệ thuật cắm hoa trong Trà thất.
Hoa được cắm trong một chiếc bình hoặc một cái lọ mộc mạc với phong cách thay đổi theo mùa.
Lọ hoa có thể được làm từ bất kỳ chất liệu nào, từ đồng, gốm tráng men hoặc không tráng men, cho đến tre, thuỷ tinh và các vật liệu khác.
+ Lư trầm: Được đặt ở góc phòng hay dưới bức tranh hoặc giữa phòng.
Trầm hương có công dụng giúp thanh lọc không khí trong căn phòng với hương thơm thoang thoảng, phảng phất nhẹ nhàng, tạo cho mọi người có cảm giác được thư giãn tinh thần, thoải mái dễ chịu.
Nghệ thuật thưởng trà đạo của Nhật Bản đã có từ rất lâu, nó được hình thành từ thế kỉ XIV với nhiều nghi lễ và không gian khác nhau.
Các bạn hãy tham khảo thêm những không gian trà đạo và những nghi lễ trà đạo dưới đây nhé.
1. Không gian trà đạo Nhật Bản:
Yêu cầu về không gian thưởng trà đạo Nhật Bản rất cao. Để có thể tiến hành những nghi thức Trà đạo đúng nghĩa, phải có một không gian thanh tịnh và hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên.
Đáp ứng những tiêu chuẩn đó mà dần hình thành hai không gian thưởng trà chính, đó là Trà viên và Trà thất.
– Trà viên: Là một khu vườn được thiết kế phù hợp với việc ngắm hoa, và thưởng thức trà.
Trà viên đòi hỏi bố cục phải tinh tế, khu vườn vẫn giữ được những nét tự nhiên thuần chất, không bị can thiệp quá nhiều bởi con người.
Trong Trà viên, mọi người thường ngồi trên thảm cỏ để thưởng thức trà
– Trà thất: Là một căn phòng nhỏ được sử dụng riêng cho việc thưởng trà, nó còn được gọi với một cái tên khác là “nhà không”.
Kích thước của nó khá nhỏ vào khoảng 3x3m. Trong căn phòng này được trải thêm những tấm đệm hay chiếu tre và được đặt thành hình vuông trông rất đẹp và trang nhã.
Trà thất thường được thiết kế trong các khu vườn có diện tích nhỏ.
Một tảng đá lớn được đặt trên con đường dẫn đến Trà thất, mặt tảng đá được khoét như một cái chén đựng đầy nước từ một cành tre rót xuống.
Ở đây người ta rửa tay trước khi vào trà thất nằm ở cuối con đường.
Trà thất làm ta nghĩ đến cái vô thường và trống rỗng của mọi sự. Không có một vẻ gì là chắc chắn hay cân đối trong lối kiến trúc, vì đối với Thiền – sự cân đối là chết, là thiếu tự nhiên, nó quá toàn bích không còn chỗ nào cho sự phát triển và đổi thay.
Điều thiết yếu là ngôi Trà thất phải hài hòa với cảnh vật tự nhiên xung quanh như cây cối và những tảng đá.
Ngay trong Trà thất cũng thể hiện một bầu không khí lặng lẽ cô tịch, không có màu sắc sặc sỡ, chỉ có màu vàng nhạt của tấm thảm rơm và màu tro nhạt của những bức vách bằng giấy.
2. Nghi lễ trà đạo Nhật bản:
Mỗi lần thưởng trà đối với người Nhật là một nghi lễ.
Thời gian tổ chức nghi lễ trà đạo cũng được chia ra: thưởng trà sáng (7h), sau ăn sáng (8h), giữa trưa (12h) và buổi tối (18h).
Đầu tiên, chủ nhân của nghi lễ trà đạo sẽ chọn những chén trà có những họa tiết tuyệt đẹp và sắp xếp các vật dụng cho tiệc trà.
Sau đó, chuẩn bị mizuya (nơi rửa cho Trà lễ), rồi mở cửa vườn hoa để chào đón khách đến Trà đường
Khách đến tham dự nghi lễ trà đạo cũng phải tuân thủ đầy đủ những yêu cầu.
Số lượng khách lý tưởng nhất là 4 người, trước tiên những vị khách khi vào trà thất phải rửa sạch tay và súc miệng bằng nước được đặt trước cửa Trà thất, rồi tháo giầy dép trước khi vào phòng.
Những vị khách khi bước vào trà thất cũng phải khom mình thể hiện sự khiêm tốn.
Đối với các võ sĩ thì phải tháo kiếm ra, để bên ngoài, biểu thị không khí hòa bình.
Chủ nhà chào khách tại phòng tiếp tân và chuẩn bị cho bữa cơm cùng buổi tiệc trà đạo hôm đó.
Thông thường, sau bữa ăn, Trà chủ sẽ trang trí những lọ hoa và thay thế khăn trải bàn mới.
Họ treo rèm sudare (được làm bằng tre hoặc sậy chẻ nhỏ).
Sau đó để triệu tập khách thì chủ nhân của nghi lễ trà đạo sẽ đánh một tiếng cồng (dora) nếu là ban ngày, còn ban đêm thì rung chuông nhỏ (kansho).
Những vị khách này sẽ rửa sạch tay và súc miệng thêm lần nữa rồi mới bước vào
Trong Trà thất, người ta thường quỳ và ngắm Tokonoma một lát, cũng là để thưởng thức các vật được trưng bày.
Theo tinh thần Thiền-Zen chỉ khi chúng ta chú tâm đến những chi tiết nhỏ bé trong cuộc sống thì mới thấy vẻ đẹp trong những điều giản dị.
Quá trình pha trà trong văn hóa trà đạo Nhật bản cũng khá là công phu, tỉ mỉ
Chủ nhân bước vào với bát và các dụng cụ khác trong trà đạo.
Trước tiên dùng khăn lau sạch các vật dụng, dùng nước nóng tráng quan làm nóng bát và sau đó lau khô.
Tiếp theo lấy thìa xúc trà cho vào bát với một lượng thích hợp.
Dùng gáo múc một ít nước nóng rót vào bát, đủ để tạo thành một lớp bột mỏng khi trộn lẫn bằng Chasen (chổi quấy).
Rót thêm nước vào để trà có độ sánh.
Sau khi trà được pha xong, Trà chủ sẽ xoay chén trà mời khách.
Khách nhận chén trà bằng hai tay và vái chào để tỏ lòng tôn kính.
Người uống trà đặt chén lên lòng bàn tay trái, dùng tay phải khẽ xoay chén trà 2 lần sao cho thấy được hoa văn đẹp nhất của tách trà.
Tiếp đến, họ uống 3 ngụm trà thật từ tốn. Khi uống phải chép miệng kèm theo tiếng “khà” để tỏ ý thực sự được thưởng thức trà ngon của chủ nhân.
Những người tham gia buổi trà đạo này đều phái có những kiến thức và tài năng về nghệ thuật, vì trong khi uống trà và ăn bánh, cả khách lẫn chủ sẽ đàm đạo về thơ ca, hội hoạ, văn học cổ điển, nghệ thuật cắm hoa…
Sau bữa tiệc chính, chủ nhân tiếp tục phục vụ usucha (trà nhạt), giúp loại bỏ dư vị và chuẩn bị cho khách về tâm lý trở về thế giới trần tục.
Đồ dùng hút thuốc gồm có: hiire (chỗ chứa lửa), một tách bằng sứ có một mẩu than đang cháy đặt trên một lớp tro; haifuki (ống thổi), một đoạn tre non có đựng nước để làm tắt tro, và kiseru (ống) – được đặt trong tabakobon (khay thuốc lá).
Vì người ta hiếm khi hút thuốc trong Trà thất, nên khay được mời như một dấu hiệu để thư giãn.
Zabuton (gối) và taburi (đồ hơ tay) cũng được đem ra. Higashi (kẹo khô) được bày trong khay gỗ để trung hòa vị đắng sau khi uống trà.
Trà nhạt được chế biến theo cách giống như hãm trà đậm, ngoại trừ ít bột trà hơn, có chất lượng kém hơn.
Khách được chủ mời bát trà nhạt lần lượt từng người. Khi dùng trà xong, nếu khách ngỏ ý muốn được chiêm ngưỡng các dụng cụ thì chủ nhân sẽ phải chuẩn bị làm sạch lại các dụng cụ pha trà.
Xem bài gốc tại Trà Cụ