Thế nhân vẫn bảo, để trà đạt đến “Đạo” nhất thiết phải có lí luận về trà. Trung Hoa có cả kho sách về trà, và chỉ riêng “Trà Kinh” của Lục Vũ đời Đường cũng đã đủ minh chứng cho nền văn hoá trà của đất nước này. Còn Nhật Bản nâng thưởng trà thành đạo, “qua mặt” Trung Hoa về “kho” lí luận về trà, từ trà cụ, trà phong, trà thất… Còn Việt Nam ta, nếu dùng từ “Trà đạo” liệu có đúng hay không?
Văn Hoá trà Việt chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc nhưng chúng ta vẫn có những nét riêng của mình và dần trở thành một nét văn hoá thưởng trà. Đó là cách uống trà bình dị, gần gũi, mộc mạc nhưng cũng rất tinh tế, phù hợp với bản sắc văn hoá của mình. Cái bình dị, mộc mạc đó là ngồi nhâm nhi một ly trà xanh giải khát dưới mái hiên nhà trong những buổi trưa hè nắng nóng hay ấm áp trong những đêm đông giá rét.
Cái đạo trong trà đạo Nhật Bản lấy thiền làm gốc, chính là giá trị tinh thần qua bốn chữ: Hoà – Kính – Thanh – Tịch; nghệ thuật này đã đạt đến đỉnh cao trở thành một nét văn hoá tôn giáo trong nghệ thuật thưởng trà. Đạo là con đường, nếu giới trẻ hiện nay muốn dùng trà để làm con đường thanh lịch, sâu lắng, làm mạnh khác hẳn với cuộc sống xô bồ, kiểu bia ôm, nhậu nhét thì trà quán có thể là nơi theo con đường thanh tịnh, trà đạo. Nếu nhiều người theo thì thành đạo rồi. Song như ý TS Nguyễn Nhã, Trà quán Việt nên thể hiện cách thiết kế trang trí, nhạc Việt, các loại trà Việt như trà tươi, trà vối, trà hạt hoa cúc, trà mạn ướp hương hoa sen hoa sói, hoa lại thật, và phong cách uống giản dị trà Việt lấy tự nhiên làm gốc.
Không khắt khe phức tạp, cầu kỳ như trà đạo Nhật Bản. Trong trà đạo Việt, chữ đạo được hiểu là con đường, là phong cách uống trà của người Việt. Thưởng thức một chén trà mang phong cách Việt là thưởng thức cả một nét văn hóa Việt. Trong văn hóa ứng xử của người Việt, người nhỏ pha trà mời người lớn, gia chủ pha trà mời khi khách đến chơi. Pha một ấm trà nóng người ta có thể ngồi trà đàm, nhâm nhi suy ngẫm bàn luận về thế sự.
Nước trà sóng sánh vàng xanh, hương trà tự nhiên thơm ngát, vị chát đắng ban đầu là nỗi gian lao, vất vả của những người lao động trồng trà. Sau vị ngọt mát chính là tâm hôn của người Việt, trọng nghĩa, trọng tình, giàu tình cảm. Vì vậy, chén trà là cả một bản sắc văn hóa tinh tế của mình, tạo nên một phong cách Trà Việt độc đáo. Như G.S Trần Ngọc Thêm nói: “Người Việt Nam mời nhau uống trà không phải đơn thuần là để giải khát, mà là để biểu hiện một phong độ văn hóa thanh cao, một sự kết giao tri kỷ, một tấm lòng ước mong hòa hợp, một sự tâm đắc của những người đối thoại. Người Việt Nam mời nhau uống trà là để bắt đầu một lời tâm sự, để bàn chuyện gia đình, xã hội, chuyện thế thái nhân tình, để cảm thấy trong chén trà có cả hương vị của đất trời, cỏ cây và muôn vật.
Từ xưa, những tiền nhân sành sỏi nghệ thuật uống trà đã từng nói “nhất thủy – nhì trà – tam bôi – tứ bình – ngũ quần anh” cũng phần nào nói lên được phong cách của trà Việt.
- Nhất thủy: Trong trà Việt, để có được một chén trà ngon phần quan trọng nhất chính là nước. Nước thường là nước do tuyết tan, nước mưa hứng ở giữa trời, nước lấy từ các con suối thiên nhiên hoặc lấy từ nước giếng sâu. Cách đun nước cũng hết sức cung phu. Không được đun nước bằng củi, dầu mà phải đun bằng than để không làm mất đi mùi vị của trà. Đun nước khoảng sôi sủi tăm, sôi đầu nhang, nhiệt độ vào khoảng 80 – 90 độ C. Các cụ tuyệt đối không dùng nước sôi để pha trà vì nước sôi sẽ làm hỏng mất mùi vị trà, làm cháy trà.
- Tam bôi tức là chén uống trà, các cụ thường chọn các loại chén hột mít, chén mắt trâu. Trước khi rót trà cần phải tráng qua nước sôi để làm nóng và tẩy vệ sinh.
- Tứ bình chính là ẩm pha trà. Trong các cuộc thưởng trà, tùy vào số lượng người thưởng trà “độc ẩm, song ẩm hay quẩn ẩm” nên các cụ có nhiều kiểu bình khác nhau. Trước khi pha trà cần phải rửa trà bằng một ít nước sôi, sau đó đổ đi… để cho trà nở đều và mang đậm hương vị nhất.
- Cuối cùng là ngũ quần anh tức bạn trà. Để tìm được một người bạn trà, biết thưởng thức nghệ thuật của trà, văn hóa uống trà rất khó, nên các cụ ngày xưa đã đưa nghệ thuật uống trà vào hàng chiếu trên của các bậc thi sĩ.
Ngoài ra, phong cách mời trà của người Việt cũng lắm công phu. sau khi tráng chén bằng nước sôi cho sạch và giữ nhiệt, người ta xếp các chén vào sát nhau, tạo thành một hình tròn. Điều này ngoài giúp cho việc rót trà dễ hơn, nó còn hàm ẩn cả cái đạo của trà Việt. Các chén nằm sát nhau thể hiện sự gắn bó giữa con người với con người, cái tình làng nghĩa xóm khi mời nhau chén trà. Hình tròn của các chén xếp thành thể hiện mong muốn viên mãn, đầy đủ.Nếu rót trà theo hình tròn của các chén, mỗi chén rót một chút, từ đầu đến cuối, rồi lại vòng ngược lại đến đầu, điều này làm cho trà không có sự chênh lệch đậm nhạt giữa chén đầu và chén cuối. Ý nghĩa của nó là thể hiện sự bình đẳng giữa chủ và khách trong sự hưởng thụ tinh tuý của thiên nhiên.
Đạo của trà Việt hẳn không phải là nghi thức tựa như nghi thức tôn giáo như của người Nhật Bản, và lại càng không phải ở cái cách thức pha. Nghĩ về đạo của trà Việt, không thể không nghĩ đến tâm hồn người Việt, người Việt không ưa lý luận, biện bác. Phải chăng, vì tâm hồn người Việt vốn bình dị, chân chất, nên người Việt không có truyền kỳ về trà? Có người nói, nghệ thuật ướp trà hương của người Việt là một tuyệt kỹ, khi nghệ thuật ấy gặp được người thưởng trà biết trân quý – đó là đạo…
Người Việt xưa uống trà
Lại có một câu chuyện kể rằng, khách đến viếng một trà thất, chủ tiếp đón theo nghi phong trà đạo, còn khách thì lại cứ rót uống tự nhiên không theo luật lệ nào cả. Chủ thuyết trình về trà đạo, về cách pha và phong thái uống trà… Nghe xong khách nói: “À thì ra trà đạo là vậy. Tôi lại tưởng đạo trà là khát thì uống thôi chứ”.