Cùng được làm từ những cây chè cổ thụ mọc trên núi cao quanh năm mây phủ. Cùng nổi danh dưới thời nhà Tống. Thế nhưng Bạch Trà không “rầm rộ” trên các con đường buôn bán như Phổ Nhĩ trà. Nó đẳng cấp tới mức hàng ngàn năm chỉ được chuyên dùng cho hoàng đế và quý tộc.
Nội dung chính
Bạch trà không phải cứ có tiền là mua được
Bạch trà (trà trắng) có lẽ xuất hiện từ thời Đường nhưng đến thời nhà Tống mới thực sự nổi danh. Trong cuốn “Trà kinh” của Lục Vũ có chép: “Vào thời Bắc Tống Khánh Lịch (1041 – 1048) tại Vĩnh Gia, Ôn Châu, Chiết Giang, có Bạch Trà Sơn” (núi trà trắng). Bạch trà được miêu tả là “chồi trà có màu trắng như giấy”. Trà trắng được dùng như thức uống cao cấp dành riêng cho hoàng thân quốc thích. Nó gần như đã biến mất từ thời nhà Minh.
Nhiều người từng tranh cãi rằng Bạch trà được hái từ Phúc Kiến, Trung Quốc. Tuy nhiên, từ thế kỷ XX, giới nghiên cứu đã tìm ra những bằng chứng thiết thực khẳng định rằng cây trà trắng vùng An Cát, Chiết Giang, Trung Quốc đích thực là giống trà quý hiếm “không phải cứ có tiền là mua” được này. Cây trà trắng nơi đây dần được nhân giống để cung cấp ra thế giới, phục vụ nhu cầu trà đạo của quý trà nhân.
Sở dĩ người ta lấy tên Bạch trà để gọi vì trà được hái vào tiết xuân, khi chồi có màu trắng và nước trà pha ra cũng có màu trắng.
Công phu làm Bạch trà thượng hạng
Mang đẳng cấp thượng hạng, Bạch trà thực sự quý hiếm không chỉ bởi hàng ngàn búp chè tươi mới chế biến được vài lạng Bạch trà khô. Ngay từ thời điểm thu hoạch, cách thu hoạch cho đến chế biến cũng đã cho thấy đẳng cấp riêng của nó.
Hái trà
Vào những ngày đầu xuân, khi mưa chưa xuất hiện, những thôn nữ An Cát với móng tay dài, mang gùi tre lên núi Bạch trà từ khi nước sương còn hoàn toàn đọng trên lá. Búp chè bạch kim mới chồi, còn chưa mở lá được ngắt xuống thật nhẹ nhàng bằng những chiếc móng tay. Các cô không được phép để da thịt mình chạm vào lá chè, như thế nhiệt độ cơ thể không thể làm ảnh hưởng đến phẩm chất trà được. Lúc mặt trời vừa lên đủ làm nước sương rơi xuống mặt đất thì công đoạn hái chè Bạch trà buộc phải dừng lại. Bạch trà chỉ được thu hái trong khoảng thời gian từ sau tết Nguyên Đán cho đến trước tết Thanh Minh. Lúc này búp chè có màu trắng pha chút vàng nhạt, rất ít chất diệp lục được tổng hợp trên lá. Khi tiết trời vào hạ, nắng đã vàng và mưa rơi xuống, lá trà xanh như những loại trà khác nên không thể hái nữa.
Chế biến
Sau khi công đoạn hái chè hoàn tất, người ta không đem bạch trà đi sao nóng ngay như trà Phổ Nhĩ. Bạch trà cần được làm héo ở nhiệt độ thấp hơn, khoảng 40 – 50°C. Quá trình này có thể kéo dài đến 4 ngày, sao cho hàm lượng nước trong lá chè chỉ còn khoảng 10%. Tiếp theo, để triệt tiêu enzym khiến nước trà đen hay đỏ, người ta mới đem chè đi sao ở nhiệt độ khoảng 250 – 300°C. Công đoạn này diễn ra rất nhanh, chỉ trong vài phút. Sau khi sao xong, chè lại được chuyển sang công đoạn hong. Quá trình hong được chia nhỏ làm 3 giai đoạn: Hong khô bằng máy sấy ở nhiệt độ 100°C trong 10 phút, hong lạnh 15 phút và hong phức tạp ở 80 – 90°C.
Lưu trữ
Bạch trà sau khi hong 3 giai đoạn là đã hoàn tất khâu chế biến. Trà được đem đi bảo quản. Không giống như trà xanh được bảo quản khô trong bình đựng trà hay trà Phổ Nhĩ cần bảo quản trong môi trường có độ ẩm tương đối (khoảng 65%), bạch trà thường được bảo quản lạnh. Nhiệt độ tốt nhất để bảo quản Bạch trà là từ 0 – 5°C. Độ ẩm tốt nhất cho Bạch trà là khoảng 6%.
Tác dụng của Bạch trà
Người ta nói rằng Bạch trà khi vừa mới chế biến cũng chỉ đơn thuần là trà, nếu để 3 năm là thuốc, để đến 7 năm thì được xem như châu báu. Vậy bạch trà có công dụng gì? Nói về công dụng của Bạch trà, người ta thường kể đến những lợi ích sau:
Bạch trà cung cấp chất chống oxy hóa, phòng ngừa ung thư. Cơ thể con người theo thời gian sẽ bị lão hóa bởi các gốc tự do. Nếu thường xuyên uống Bạch trà, bạn đang cung cấp cho cơ thể một lượng chất chống oxy hóa, giúp thu gom và trung hòa các gốc tự do này. Nhờ đó, bạn được trẻ hóa làn da và phòng tránh khỏi nguy cơ bị ung thư. Chất chống oxy hóa trong bạch trà cũng giúp bạn có được hệ miễn dịch khỏe mạnh, chống các loại vi khuẩn thông thường như cảm cúm, cảm lạnh.
Các nghiên cứu cho thấy khi uống bạch trà, chức năng động mạch của bạn sẽ được cải thiện. Do đó Bạch trà cũng có khả năng hạ huyết áp và những người bị huyết áp cao nên sử dụng.
Hợp chất catechin được tìm thấy nhiều trong bạch trà cũng là một hợp chất quan trọng giúp bạn loại đi những cholesterol xấu.
Từ các tác dụng giảm huyết áp, giảm cholesterol… nói trên, người ta khẳng định rằng bạch trà là loại thức uống tốt cho người bị bệnh tim mạch. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ cần uống 2 chén Bạch trà mỗi ngày là bạn có thể giảm được 50% nguy cơ đột quỵ vì tim mạch.
Bạch trà tốt cho người viêm khớp, loãng xương. Nếu uống Bạch trà đều đặn mỗi ngày, xương khớp của bạn sẽ khỏe hơn.
Không chỉ chắc xương, khi uống bạch trà, răng và nướu của bạn cũng được bảo vệ. Một lượng nhỏ chất florua trong bạch trà sẽ bảo vệ răng miệng của bạn khỏi những vi khuẩn gây ra mảng bám, ngừa sâu răng và hôi miệng…
Pha Bạch trà thế nào mới thực sự đem lại hiệu quả và hương vị tuyệt vời?
Là loại trà được xem là dành riêng cho giới “đẳng cấp” và có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, bạch trà cũng rất kén chọn trà cụ, trà nhân.
Để có được đúng hương vị nhẹ tinh tế của thứ nước trà trắng, chẳng cần dùng đến đầu lưỡi mà vẫn cảm được cái dịu ngọt ở từng giác quan này, bạn nên pha Bạch trà bằng ấm tử sa. Bạn cũng có thể sử dụng ấm thủy tinh để vừa thưởng thức hương vị trà, vừa nhìn ngắm vẻ đẹp của lá trà trong ấm.
Pha Bạch trà đòi hỏi ở người pha độ nhẹ nhàng và tinh tế. Bạch trà không cần phải tráng qua một lần nước như trà Thiết Quan Âm hay Ô Long. Khi pha Bạch trà, bạn nên pha ở nhiệt độ không quá cao (chỉ khoảng 80 – 85°C) để lá trà không bị nát. Trà sau khi pha vào nước chỉ nên để khoảng 10 – 15 giây rồi rót qua phễu lọc để thưởng thức. Bạn nên lắc ấm trà nhẹ nhàng, đều tay trước khi rót, như vậy nước trà trước và sau mới hòa vào nhau và không bị khác biệt về độ đậm, nhạt. Người pha Bạch trà khéo có thể dùng đến 5-6 tuần nước mà hương vị trà vẫn còn như mới.
Xem bài gốc tại Trà Công Phu