Màu xanh biếc, dáng nhất kỳ nhất thương, hương thơm đậm đà, và vị ngọt êm từ miệng. Đó là tứ tuyệt hảo hạng của trà Long Tỉnh. Nhờ đâu mà trà Long Tỉnh có được 4 điều tuyệt vời này?
Nội dung chính
Trà Long Tỉnh là trà gì?
Trà Long Tỉnh là loại trà Long Tỉnh Tây Hồ, được sản xuất ở làng Long Tỉnh, cách thành phố Hàng Châu 20km. Đây chính là nơi trà Long Tỉnh được hoàng đế Mãn Thanh sắc phong 18 cây Hoàng trà hồi thế kỷ XVIII. Có lẽ cái tên trà Long Tỉnh (trà giếng rồng) cũng mang hàm ý chỉ những cây trà được hoàng đế phát hiện ra khi vi hành thị chúng, ngao du ngắm cảnh và thưởng trà bên giếng nước Tây Hồ.
Trà Long Tỉnh Tây Hồ ngày nay còn được sản xuất tại 3 khu vực chính là Tiền Đường (Tiêu Sơn, Phụ Dương), Tân Xương và Thặng Châu, với tổng diện tích 168km². Ngoài ra, trà Long Tỉnh cũng được sản xuất ở những nơi khác thuộc Chiết Giang, gọi là trà Long Tỉnh Chiết Giang.
Men theo những cung đường tuyệt đẹp, với núi sông điệp trùng, chúng tôi đến với đồi chè Long Tỉnh để trực tiếp ngắm nhìn và tìm hiểu xem trà Long Tỉnh – một trong những thập đại danh trà Trung Hoa được trồng và sản xuất ra sao!
Có vị trí đắc địa, phía Đông giáp Tây Hồ, phía Tây giáp núi Ngũ Vân, Đông Nam giáp sông Tiền Đường, phía Bắc giáp Đỉnh Bắc, làng Long Tỉnh như một ngọn lục bảo bên hồ, rất thích hợp cho cây chè phát triển.
Sản xuất trà Long Tỉnh như thế nào?
Dưới cái nắng xuân còn rất dịu, những người nông dân cần mẫn đang bứt từng búp chè Long Tỉnh bỏ vào giỏ. Búp chè Long Tỉnh rất non và xanh, nhưng người ta chỉ hái 1 tôm và 1 hoặc 2 lá trên cùng. Mùa thu hoạch chè Long Tỉnh tốt nhất thường diễn ra trong tiết trời xuân, trước tết Thanh Minh và khi chưa có mưa rào xuất hiện.
Chè sau khi thu hái được để ra mẹt tre cho thoáng và phân loại. Công đoạn phân loại này rất tỉ mỉ với 5 tiêu chí chính: cùng độ tươi, cùng độ tiếp xúc với nắng, cùng thời điểm hái, cùng điều kiện hái, cùng độ tuổi chè.
Công đoạn tiếp theo, quan trọng nhất, quyết định hình dáng, màu sắc và hương vị của trà Long Tỉnh chính là sao chè. 1 người cao tay trong nghề 1 ngày cũng chỉ sao thủ công được khoảng 1kg chè. Đây là một công đoạn rất khó khăn, đòi hỏi người sao phải học từ kỹ thuật nhóm lửa trở đi và học trong nhiều năm liền. Công đoạn này được chia làm 2 bước: Thanh Oa và Huy Oa.
Thanh Oa là quá trình làm khô lá chè và tạo hình cho lá chè. Mỗi lần Thanh Oa, người ta chỉ bỏ một lượng rất nhỏ lá chè tươi (khoảng 120g) vào sao ở mức nhiệt cao đến 300 độ C, sau đó hạ nhiệt dần xuống khoảng 240 độ C. Trong suốt quá trình này, người ta hoàn toàn dùng tay để đảo, lật lá chè. Khi lá chè hao đi một lượng nước vừa đủ thì người ta tiến hành tạo hình cho lá chè. Lá chè được ép mạnh dần và lật, đảo đều bằng tay trong khoảng 12 – 15 phút.
Huy Oa diễn ra sau quá trình Thanh Oa, là quá trình làm tăng độ khô, độ sắc, nét cho lá chè. Trong vòng 20 – 25 phút, ở mức nhiệt 100 độ C, người ta dùng tay để sao chè trên chảo. Đây thực sự là một công đoạn rất vất vả và đòi hỏi cái tâm lẫn cái tầm của người làm nghề. Không ít người thực hiện công đoạn này sẽ bị bỏng. Còn những người lâu năm trong nghề thì bàn tay cũng dần chai sạn theo từng mẻ chè.
Pha trà Long Tỉnh thế nào mới tuyệt hảo?
Chè sao xong là có thể dùng để uống hoặc bảo quản lạnh, tránh cho lá trà bị vàng. Long Tỉnh trà ngon nhất là khi pha bằng ấm tử sa, còn đẹp nhất là lúc được nở mình trong những chiếc ấm thủy tinh trong suốt. Tuy nhiên, nếu pha trà bằng ấm tử sa, bạn không nên ngâm trà trong ấm mà rót ran gay sau vài giây, tránh cho trà bị nồng.
Với tỉ lệ trà: nước khoảng 1:5, bạn có thể pha trà Long Tỉnh khoảng 3 tuần nước. Nước dùng để pha trà nên là nước tinh khiết đun sôi và để ở mức nhiệt khoảng 70 – 85 độ C. Nếu thấy được hương vị trà “ngọt thơm như hoa lan, u trầm mà không lạnh lẽo, nhấp vào thấy nhạt nhưng sau khi uống cảm thấy khí tươi mát tràn ngập kẽ răng…” như người đời Thanh ca tụng về trà Long Tỉnh xưa thì quả thực bạn là một cao nhân thưởng trà rồi!
Xem bài gốc tại Trà Công Phu