Nội dung chính
Văn hóa trà của người việt trải dài theo lịch sử dân tộc
Văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà của người Việt Nam đã có từ rất lâu, trong rất nhiều sổ sách ghi chép về văn hóa lịch sử trà như Trà Kinh của Lục Vũ người được phong làm trà thánh, sống vào đời nhà Đường có nói: “Qua Lô (chè) ở Phương Nam cũng giống như Dính (giống như chè Phương Bắc) mà búp nhị đăng đắng. Người ta pha nước uống thì tỉnh mỉnh, suốt đêm khó ngủ. Giao Châu và Quảng Châu rất quý thứ chè ấy, mỗi khi có khách quý đến chơi thì pha mời”.
Văn hóa trà của người Việt đã có từ rất lâu
Người Nam uống trà từ rất lâu, và người Việt đã trồng cây chè ở khu vực miền đồi núi trung du và châu thổ vào nửa sau của thiên kỷ thứ nhất. Ở Cửu Sơn (đây là tên gọi địa danh Thanh Hóa vào thời xưa) có ngọn núi được trồng rất nhiều chè, và được đặt tên là Trà Sơn.
Tại địa danh Nông Cống thuộc địa phận Thanh Hóa, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những bộ ấm chén được làm bằng đất)xuất xứ từ lò Bát Tràng, Cầu Cây, Đông Sơn), những bộ ấm chén này sau khi được phân tích, thì niên đại của chúng được xác định là xuất hiện ngang thời triều đại Tống – Minh của Trung Quốc. Ngoài ra trà Việt còn được lưu lại các chứng tích trên những bình bát trà gốm Việt – Dao (proto-celadon) trong thời kỳ Bắc Thuộc, hưng thịnh dưới thời phật Giáo Lý – Trần.
Đạo phật và trà ở Việt Nam có mối quan hệ với nhau, bởi trên văn bia Lý do sư Pháp Ký soạn cho thấy sư Tịnh Thiền có ghi “chỗ uống trà là chỗ thập phương thí chủ đồn về ”, qua đó cho ta thấy rõ hơn về mối liên hệ và gắn kết này.
Trà của người An Nam ắt hẳn phải rất thơm ngon và có giá trị cao, bởi trong An Nam chí lược do Lê Tắc chép: “tháng 5 năm thứ 8 (975), Liễn [Đinh Liễn, con trai Đinh Bộ Lĩnh, đi cống Trung Quốc thời Tống Thái Tổ] tiến cống vàng, lụa, sừng tê, ngày voi, trà thơm ”. Trong rất nhiều vật phật quý giá, vẫn xuất hiện Trà thơm của người An Nam, chúng ta cũng biết rằng nghệ thuật thưởng trà của Trung Quốc đã đạt tới đỉnh cao, từ thời nhà Đường)có trà bánh) – Thời Tống)trà bột), vậy Trà Thơm của người An Nam phải có nét riêng và rất có giá trị, cho thấy nghệ thuật thưởng trà của Người An Nam cũng đạt đến tầm cao, và là niềm tự hào của người An Nam.
Văn hóa trà Việt được ghi chép trong rất nhiều tài liệu
Nguyễn Trãi có nhắc đến loại trà Tước Thiệt)trà lưỡi chim sẻ) trong Dư Địa Chí, loại trà Tước Thiệt này người ta còn gọi là trà móc câu. Trà móc câu thuộc giống trà mi ở vùng Sa Bôi, nằm trong địa phẩm của tỉnh Quảng Trị)thuộc địa danh Châu Ô, Châu Lý ngày xưa). Lê Quý Đôn cũng nhắc đến cây chè trong Vân Đài Loại Ngữ (1773) “Cây chè đã có ở mấy ngọn núi Am Thiền, Am giới và Am Các ở huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa, mọc xanh um đầy rừng; thổ nhân hái lá đem về giã nát, rồi phơi trong râm cho khô; đem nấu nước uống, tính hơi hàn, uống vào mát tim phổi, giải khát ngủ ngon. Hoa và nhị chè càng tốt, có hương thơm tự nhiên. Có một làng tên là Vân Trai, giáp Bạng Thượng, chuyên làm nghề chè giã nát gọi là chè Bạng. Chè sản xuất ở các làng sau này đều là thứ chè ngon: làng Đông Lao, Lương Quy, Chi Nê, Tuy Lai, Lệ Mỹ và An Đạo…” đây chính là loại trà bánh, được chế biến tại địa danh làng Bạng, thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa, nơi này nổi tiếng về nghề chè.
Ở Việt Nam, ở từng địa phương lại có giống chè khác nhau, các vùng có trà nổi tiếng như: Thái Nguyên, Bảo Lộc Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình. Trong tạp chí “Cây trồng ở các thuộc địa ” vào tháng 8/1900 có nói: “..Ở vùng đất Nam Kỳ đặc biệt phì nhiêu, giữa Thủ Đức và Thủ Dầu Một, hiếm thấy nhà nào mà không có ít nhất ½ ha trồng chè Huế. Vườn chè gia đình thường trồng quanh nhà ở, xen với cau, cây ăn quả ” trích dẫn theo Đỗ Ngọc Quỹ
Người việt phát triển văn hóa trà ở khắp các vùng miền
Trong từng địa phương khác nhau, thì cây chè cũng đã gắn liền với đời sống của nhân dân, từ đó loại cây chè và thức uống được làm ra đó cũng được gắn liền với các câu ca dao, tục ngữ để nói về sự mê hoặc của hương, vị cũng như độ ngon của trà và kinh nghiệm trồng trọt, đây là điểm cho thấy chè đã gắn liền với cuộc sống của người dân, một số ca dao tục ngữ mà chúng ta có thể bắt gặp như: Ai về Hà Tĩnh thì về/ Mặc lụa chợ Hạ, uống nước chè Hương Sơn (ca dao); Mạ vườn không, bông đồng hang, lang đồng Gừa, dưa chùa rí, bí ông Đe, chè Khán Cổ; Nguyên Xá cây bông, đúc đồng An Lộng, cá giống Thanh Nga, ương chè thôn Quán; Nước giếng Me, chè Ba Trại; Nước giếng Nghè, chè Kì Viên; Thịt chó làng Nghe, nước chè làng Chẹm; Chè Yên Thái, gái Tiên Lữ; Trai khôn uống chè Ba Trại, gái dại uống chè Nghè, mẹ bảo chẳng nghe cứ uống chè Bồng Lạng (tục ngữ). Còn dây là những tục ngữ nói về kinh nghiệm trồng trọt cây chè: Nắng tốt chè, mưa tốt lúa; Thấy sương mà thương cho chè; nhìn đồng bông lúa uốn câu, cuốc đồi bổ hố bảo nhau trồng chè.
Và trà cũng được đưa vào văn thơ, để miêu tả về cái chất riêng, cũng như sự mê hoặc của trà, khiến cho người ta không thể rời được. Trong bài thơ “Ba cái lăng nhăng ” của Nhà Thơ Trần Tú Xương hay thường được gọi là Tú Xương có nói về trà:
“Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó hại ta.
Chừa được cái gì hay cái nấy,
Có chăng chừa được rượu với trà! ”
Trà là thức uống rất gần gũi với đời sống của người dân nước ta, cũng như gắn liền với nền nông nghiệp, yêu chuộng lối sống bình thản, sâu sắc. Cũng như nói lên được con người Việt Nam có được sự chắt lọc và lựa chọn trong tinh thần văn hóa truyền thống, với đặc tính trọng nghĩa, trọng tình, trong đức, trong văn và hơn thế nữa là có đời sống cộng đồng cào độ. Qua đó thấy được văn hóa trà của người Việt, cũng như nghệ thuật thưởng trà thưởng trà của chúng ta rất nhanh nhạy, linh động, bao quát, không quá giản đơn, nhưng cũng không quá cầu kỳ, không nặng về nghi lễ nhưng cũng không quá bình dân. Đây chính là sự đúc kết, chắt lọc tinh hoa để có được một văn hóa cũng như nghệ thuật thưởng thức trà của người Việt một cách trung dung, tiến lên sự hoàn hảo.
Về cách pha trà, thì có rất nhiều cách, còn tùy thuộc vào từng loại trà, nói để nói tổng quát thì đều phải trải qua những bước sau: chuẩn bị đầy đủ bộ ấm chén, bồn, thuyền trà)cái bát lớn để ấm) và nước sôi)còn tùy thuộc vào những vật dụng đã được chuẩn bị sẵn để pha và uống trà). Nghệ thuật và văn hóa trà của người Việt cũng được phản anh đậm nét qua các khâu như: chọn trà, xỷ lý trà, đun nước, pha trà, rót trà và tận hưởng hương vị thơm ngon của trà.
Hầu hết người dân chủ là sử dụng nước chè tươi và là một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của nhà nông, tục ngữ có câu nói về chè xanh: Nước chè xanh vừa lành vừa mát. [Theo Đỗ NGọc Quỹ 2003] Trong nghiên cứu của Eberhardt – Aufray (1919) về phong tục uống chè tươi ở Đông Dương, đã có đưa ra nhận định: đối với người dân lao động, trà kích thích mạnh mẽ cho hệ thống thần kinh, cũng như cơ bắp, giúp giảm đi mệt mỏi, và đây cũng là một chất lợi tiểu rất tốt.
Văn hóa chè tươi của người việt nam
Thông thường chè tươi khi được cắt ngoài vườn, hoặc được mua về thì sẽ được rửa sạch, dùng tay vò cho giập lá, càng kỹ càng tốt, các cành, cọng nhỏ cũng được bẻ và tước nhỏ ra, sau đó nước được đun thật sôi, tiếp đến là đổ nước sôi vào chè rồi đậy kín nắp ấm, ủ trong vòng 15 phút, chè đã ngấm là có thể uống được. Hình ảnh giữa trời trăng thanh gió mát, người dân xóm làng ngồi quây quần bên nhau, trên những chiếc chiếu cói, uống chè và bàn chuyện làng chuyện xóm, cười nói rộn ràng. Nước chè tươi là thức uống rất bình dị và gần gũi, ở mọi tầng lớp, không phân biệt tuổi tác, chức sắc, địa vị, giới tính … đều có thể uống thức uống này. Thông thường trong các dịp việc của làng xóm, hay việc gia đình người ta thường hay đun những nồi nước chè thật to để làm nước uống. Uống chè tươi cũng là nét văn hóa riêng biệt, thể hiện tính cộng đồng làng xã Việt Nam, với nền văn hóa lúa nước, thực sự khác hẳn với phong cách và văn hóa uống trà của người Hán.
Văn hóa trà cũng như nghệ thuật thưởng trà của người Việt không có những nghi thức quá cầu kỳ như về địa điểm, phong thái, dụng cụ, kiểu cách … như Nhật Bản hay Trung Quốc, nhưng vẫn có những quy tắc nhất định và đây thương là những quy tắc ứng xử trong giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày đó là: chủ nhà thường là người rót chè cho khách, hay những người lớn tuổi nhất được mời thưởng trà trước … thật bình dị, mộc mạc, chân tình … đó chính là điểm độc đáo, vừa thoải mái vừa cởi mở. Thông thường khi thưởng thức chè tươi sẽ dùng bát mà ít dùng chén, nước chè được rót ra bát có màu vàng tươi, sáng, khi uống vị ngọt ngọt, chát chát tạo thành dư vị trong cổ. Thật khó miêu tả được cảm giác thú vị, khi ngồi ăn khoai luộc, uống nước chè xanh, hút một hơi thuốc lào mắt lim dim thả khói, nói chuyện mùa màng, làng xã… quả thực là rất thú vị.
Chè nụ là loại chè được làm bằng búp chè, búp chè được hái và rang lên, rồi nấu nước uống. Chè nụ và chè tươi là điểm độc đáo của người Việt Nam, trên thế giới hoàn toàn chưa có bất cứ quốc gia nào chè tươi và chè nụ. Theo như Đỗ NGọc Quỹ đã tiến hành đi khảo sát thực tế ở 5 tỉnh sản xuất và chế biến chè lớn nhất tại Trung Quốc)1959 – 1965) cũng không thấy văn hóa uống chè tươi và chè nụ như ở Việt Nam.
Chè nụ nét đặc trưng trong văn hóa trà của người việt nam
Trà xanh cũng là một loại trà rất phổ biến trong đời sống hằng ngày của người dân, đây là loại trà được làm bằng búp trà đã được ngắt và để héo, vò và sao trên chảo nóng, sấy hoặc phơi cho khô. Đặc điểm của loại trà này là khi pha nước có màu xanh. Cùng với đó thì lá chè đã già, cũng được hái, rửa sạch và phơi khô, khi uống được vò nhỏ, nước của loại chè này khi pha ra lại có màu đỏ, giống với màu của chè nụ.
Chè mộc, chè móc câu, chè sao suốt … là tên của loại các loại chè có tiếng ở các vùng chuyên sản xuất chè như Phú Thọ, Thái Nguyên. Khi chè được sao bằng tay trong chảo lớn, với mức lửa trung bình không quá to cũng không quá nhỏ và được đảo liên tục thì cho ra loại “chè sao suốt”, còn loại chè sau khi búp chè được sao xong, mang hình dáng giống như những chiếc móc câu, thì chè này được gọi là “chè móc câu”, hay với loại chè được sao nhưng không tẩm ướp bất cứ mùi hương hoa nào thì được gọi là “chè mộc”.
Trà ướp hoa sen là nét riêng văn hóa trà của người Việt Nam
Khi nói đến trà ướp hương hoa, thì người Việt xưa đã có những cách ướp hương hoa cho trà một cách độc đáo. Trà thường được ướp với nhiều loại hoa khác nhau như: hoa sen, hoa nhài, hoa cúc, hoa lan … và nổi bật hơn nhất đó là trà sen. Trong triều đại nhà nguyễn, dưới thời trị vị của nhà vua Tự Đức, người dân đã biết cách lấy trà, gói thành từng gói giấy nhỏ, sau đó thả vào trong từng bông hoa sen, đêm xuống cánh hoa sen cúp lại, ấp ủ, những dúm trà được thấm đẫm hương thơm của sen, nhưng nếu để có một lượng lớn trà ướp hoa sen thì người dân phải gỡ lấy hạt trắng ở mỗi nhụy hoa sen, hạt trắng này thường được gọi là gạo sen, rồi sau đó đem đi trộn lẫn với trà, rồi ủ kín. Khi gạo sen khô héo và teo lại, thì đem đi sấy với lửa liu riu để giữ được mùi hương tự nhiên của hoa sen. Đây quả là một quá trình rất công phu, mất nhiều thời gian, nhưng để có được loại trà thơm, ngon thì cũng thật xứng đáng
Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ ấm, ngũ quân anh là câu nói miêu tả toàn bộ nghệ thuật và văn hóa trà của người Việt. Trà ngon nhất khi được pha với loại nước thanh khiết tự nhiên, và nước ngon nhất là nước đọng trên lá sen, hoặc nước được hứng từ mo cau, có nhiều người rất kỳ công trong việc lấy nước pha trà, người ta trộn nước mưa với nước giếng, loại nước này được gọi là nước âm dương)trời là dương, đất là âm). Nước cần phải được đun trên bếp than hoa bằng nồi đất, vì dùng than hoa nước sẽ không bị bám mùi của khói như đun bằng dầu, rơm … tùy từng loại trà mà chúng ta đun nước ở độ sôi khác nhau, đối với trà xanh thì nước cần đun sủi tăm, còn đối với các loại ướp hương sen, hương nhài, hương cúc … thì nước cần đun sôi ở đầu nhang, bởi nhiệt độ của nước ảnh hưởng đến vị ngon của trà, nếu không đủ độ sôi thì trà sẽ không phai ra, còn nếu nhiệt độ cao quá sẽ khiến cho trà bị nồng, mất vị thơm và thường được gọi là “cháy” trà.
Sau trà, ấm chén trà cũng là nét văn hóa đặc trưng nổi bật
Sau trà và nước là đến Bôi, Bôi là Chén, kích thước của Chén thường bằng cỡ hột mít, hay mắt trâu. Bình hay còn được gọi là ấm, ấm thì thường có ấm chuyên và ấm tống. Ấm trà trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, cho thấy được nhiều sự biến hóa cũng như độc đáo của nó như ở thời kỳ Bắc thuộc, thì màu xanh ngọc bích)kéo dài đến thế kỷ xv) là màu chủ đạo và được sử dụng nhiều, nhưng khi qua thời Lý – Trần thì màu chủ đạo thường giống với màu xác trà, đặc biệt trong giai đoạn này kỹ thuật và trình độ điêu luyện của nghề gốm sứ của nước Việt ta đã đạt đến độ tinh xảo, nhiều chén, ấm trà của Đại Việt đã trở thành quốc bảo. Đồ tế nhuyễn bày biện trên bàn thờ cúng.
Trong khi pha tra, thì bước đầu thường là nước tráng trà, đồng thời nước này cũng được dùng để rửa chén, làm nóng ấm trà. Tùy thuộc vào số lượng người uống trà để có lựa chọn kích thước ấm trà to nhỏ, nhiều chén hay ít chén … như quần ẩm, độc ẩm, ngũ ẩm … sao cho phù hợp. Để cho trà khi pha ra có độ thơm ngon, không quá nhạt không quá chát, thì người pha trà cũng cần biết ước lượng tỉ lệ trà cho vào trong ấm. Sau khi tráng trà, thì cho nước vào để pha tra với lượng nước gần đầy ấm, sau đó đậy nắp, rồi đổ nước nóng lên toàn bộ ấm)giúp cho lỗ thông hơi được che đi, giữ được hương trà thơm), đây chính là lý do có câu “rượu tam, trà nhị” rượu phải đến chén thứ ba mới ngấm, trà phải uống nước hai mới ngon.
Ngũ quần anh ý nói đến bạn uống trà, thông thường bạn trà sẽ rất khó kiếm, bởi uống trà thường mang phần thi vị, thanh tao không bỗ bã … khác với việc kiếm bạn rượu. Sau khi trà đã pha xong, việc rót trà ra chén cũng cần tinh tế, thông thường trà sẽ được rót toàn bộ ra chén tống, sau đó mới chia ra các chén quân. Hoặc không cần rót ra chén tống mà rót trực tiếp, thì những người sành uống trà sẽ không rót đầy từng chén, mà phải rót vừa phải sau đó rót quay vòng ngược lại, như thế sẽ đảm bảo được độ đậm nhạt, hương vị được như nhau, trong dân gian có câu “rượu trên be, trà dưới ấm ” là vì lẽ đó. Nét văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà được thể hiện trong việc lựa chọn trà, cách pha, giao tiếp … tất cả gom lại tạo lên một nét riêng về văn hóa trà của người Việt.
Khi uống và cảm nhận trà bằng cả năm ngũ quan của cơ thể
Rượu ngâm nga, trà liền tay: ý nói đến việc uống trà phải uống ngay để cảm nhận được hương vị toát ra từ chén trà nóng. Khi nâng chén trà lên, nhấp từng ngụm nhỏ, cảm nhận hương vị của trà bằng cả tâm hồn, cùng với ngũ quan để cảm nhận được sự sâu sắc và tuyệt vời của trà. Một chén trà ngon cũng làm lay động những gì sau kín nhất trong tâm hồn, bởi hương vị của trà luôn đem lại sự dịu dàng, nhẹ nhàng, khiến tâm hồn hòa cùng với thiện địa.
Có rất nhiều câu tục ngữ nói lên kinh nghiệm uống chè: Nước khe, chè núi; Rượu cổ be, chè đáy ấm; Tửu sáng, trà trưa; Trà chuyên nước nhất, hương dồn khói đôi; Thứ nhất cháo hoa, thứ nhì bánh tráng, thứ ba nước chè; Nước trà mè xửng là chứng không chừa; Trà ngon xuống bể, thuốc ngon lên rừng; Trà ngon rát họng, thuốc ngon quyện đờm; Xấu như ma cũng thể trà con gái; Vợ đẹp càng tổ đau lưng, chè ngon tức bụng, điếu thông quyện đờm. Hoặc tác hại của việc rượu chè quá độ: Những người chè rượu đêm ngày, đã hư công việc lại rầy tiếng tăm…
Sự giao thoa văn hóa của trà Tàu ở Việt Nam
Văn hóa của Việt Nam và Trung Quốc luôn có sự giao thoa, chọn lọc … từ xa xưa, chính vì thế mà văn hóa trà của trung quốc cũng tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến tầng lớp trên của xã hội phong kiến việt nam. Giáo Sư Đào Duy Anh đã viết trong mục “phong tục” của cuốn Việt Nam văn hóa sử cương về trà tàu vào đầu thế kỷ XX “Trong trường giao tế nước ta chè tầu chiếm một địa vị trọng yếu… Ở nước ta uống chè tầu sành là một biểu hiện phong lưu…” .Trà tàu đã đi vào tục ngữ như: Uống nước chè tầu, ăn trầu cơi thiếc; Uống chè tàu, ngồi trường kỷ (cách uống thanh cao, đúng kiểu); Thuốc lào một nạm, chè tàu một hơi; vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu, lông nách một nạm, chè tàu một hơi (nói về người thô kệch, không biết uống chè tàu)…
Theo như Vương Hồng Sển thì trà tàu đã nhập về nước Nam từ triều đại Lý (1010 – 1225) nhưng có lẽ thịnh hạnh và phát triển mạnh nhất trong đời nhà Minh, đặc biệt là giai đoạn cuối của triều đại nhà minh, sang đầu triều đại nhà thanh (thế kỷ xvii). Khi nước Việt trở thành thuộc địa của Pháp, thì các nhà nghiên cứu của Pháp đã thực hiện các cuộc khảo sát rất chi tiết, và tỉ mỉ về sản xuất, cũng như thương mại trà tại miền bắc Việt Nam. Người pháp rất quan tâm và chú ý tới trà của Việt Nam, bởi ngoài việc trà là đồ uống thời thượng, mang tính đẳng cấp của hầu hết các nước phương tây, thì trà được bán với giá cao, đem lại giá trị kinh tế cao (cuối TK XIX, đầu TK XX).
Văn hóa trà Việt giao thoa cùng văn hóa trà Tàu
Trong khoảng cuổi của thế kỷ XVIII, thì trà tàu là món thức uống rất đượ các tầng lớp quý tộc của triều Nguyễn ưa chuộng, bởi trong thời gian này cũng bùng nổ lên sự sùng bái về văn hóa của Trung Hoa. Chính vì thế mà hai nhà nghiên cứu mang quốc tịch pháp là Eberhardt và Auffray (1919) đã đưa ra những nhận xét như sau: “… các tầng lớp thượng lưu chỉ uống chè tàu được nhập khẩu từ Trung Quốc, còn chè bản xứ thì được người bản xứ thuộc các tầng lớp nghèo và trung lưu uống, và điều này đã có hàng thế kỷ …” [theo Đỗ Ngọc Quỹ].
Một trong những loại trà Tàu phổ biến và được sử dụng rộng rãi đó là trà mạn. Trà Mạn là tên gọi tắt, thực chất nó là trà Mạn Hảo, Mạn Hảo là địa danh của Trung Quốc, nằm trong địa phận Vân Nam. Bánh chè Mạn Hảo được xử dụng lá chuối khô để gói thật kỹ, sau đó được thương lái chuyển trở theo đường sông từ Mạn Hảo đến sông Hồng, rồi qua địa phần Lào Cai để đưa vào Bắc Kỳ. Sau này, ở nước Việt cũng chế biến và sản xuất loại chè tương tự, nhưng người ta vẫn lấy tên gọi đó là chè mạn, hay chè mạn Hà Giang [Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu 1970]. Trong dân gian có câu Ca dao: Làm trai biết đánh tổ tôm, Uống chè Mạn Hảo, ngâm nôm Thúy Kiều.
Bởi sự ảnh hưởng trong một thời gian dài về văn hóa Trung Quốc, kéo đó là nghệ thuật thưởng trà của nước ta bị ảnh hưởng và phát triển mạnh mẽ theo kiểu của triều đại cuối nhà Minh và đầu Nhà Thanh, chính vì lẽ đó mà bộ ấm chén trà của ta thường mang hơi hướng kiểu của Khang Hy, Càn long Dĩ Hậu [ Theo Vương hồng Sển 1993 ]
Âm trà tàu ảnh hưởng và thịnh hành tại Việt Nam thời xưa
Những người Kinh Bắc ngày xưa, khi uống trà tàu thường có phong tục lấy nước mưa để đun, khi đun chỉ dùng than củi, nếu tốt hơn nữa thì dùng loại than của quả ổi khô. Nhiệt độ của nước chỉ nên đun đến mức sủi (sôi)lăn tăn mắt cua, không nên để sủi to mắt cá, hay sủi ùng ục, nếu nước quá nóng sẽ làm mất đi hương và vị của trà. Để pha trà người ta thường xử dụng ấm chuyên có màu gan gà, tùy vào số lượng người sẽ chọn kích thước to nhỏ khác nhau)độc ẩm, song ẩm, tứ ẩm … hay ngũ quần anh). Sau khi pha xong trà, thì ấm trà sẽ được đặt vào một chiếc bát to, sau đó đổ nước nóng vào để giữ được độ nóng của trà được lâu hơn. Khi trà đã phai, nước sẽ được chắt vào một chiếc chén to, rồi từ đó chia đều cho các chén nhỏ. [ Theo Vương Xuân Tình 2004 ]
Chúa Trịnh Sâm (1739 – 1782) được đánh giá là người có nghệ thuật thưởng trà khó có ai bì kịp, và thường chúa tự xưng mình là “trà nô”, và thường nói câu “trà nô, tửu tướng”, ý nói đến việc uống rượu phải uống như đại tướng vừa thắng trận, có quân hầu hô lệnh, có ca nhi chuộc rượu hiến cửu, nhưng trái lại hoàn toàn với rượu, khi ẩm trà phải tự coi mình là nô lệ của loại thức uống tao nhã, thanh tao này. Chúa Trịnh Sâm thường tự tay pha trà cho chính mình, sử dụng một siêu được làm bằng đồng nhỏ, có thể cho vừa vặn vài ba chén nước con con, bên trong có trổ mấy “ngư mục” có tác dụng làm cho nước mau sôi, cứ siêu này sôi thì mang ra pha trà, thì sẽ đặt ngày siêu khác lên, để trong không khí luôn có âm thanh tí tách của ngọn lửa hồng)sử dụng tham gỗ thông được đặt mua bên trung quốc), có tiếng của nước sôi có ấm phun hơi. Ấm chuyên nước của chúa trịnh có nhiều loại)như độc ẩm, đối ẩm) tất cả đều được làm bằng đất Tử Sa của địa danh Nghi Hưng)đây là loại ấm được ưa chuộng trong thời kỳ cuối nhà minh – đầu nhà Thanh) [Theo nhận định của Vương Hồng Sển].
Nghệ thuật thưởng trà tàu được lớp thương lưu xưa hưởng ứng
Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) nhận xét trong Vũ Trung tùy bút, cái thú vị trong khi uống chè Tàu là ở sự sạch sẽ, hương thơm của trà. Phạm Đình Hổ viết rất kỹ về nghệ thuật thưởng trà tàu của người Việt:
“…Thị hiếu của nước ta cũng hơi giống như người Tàu… các họ quí tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quí thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một cái ấm, cái chén phí tổn đến vài mươi lạng bạc, thường có nhiều người qua chơi các hiệu chè, thăm dò các phố buôn.. để mua chuốc lấy chè ngon, lúc ngồi rỗi pha chè uống với nhau thì lại đánh cuộc xem chè đầu xuân năm nay sớm hay muộn, giá chè năm nay cao hay hạ. Kẻ thì ưa thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ tên mua cho được chè ngon, để bày khay chén ra nếm thử. Thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn để mua cho được hiệu chè chính sơn, gửi tàu buôn để đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu thượng đến thế là cùng cực…Từ các đời gần đây trở xuống, thưởng giám chè tàu càng ngày càng tinh, thú vị chè nào khác hơn, cách chế chè nào ngon hơn, thì đều phân biệt ra kỹ lắm. Mà lò siêu ấm chén lại chế ra nhiều kiểu thích dụng…
… Gần đây lại có chế ra thứ siêu đồng cũng khéo, nhưng mà kim khí bị hỏa khí nó hấp hơi thường có mùi tanh đồng, không bằng siêu đất nung để pha nước uống chè là tốt hơn. Song các nhà quyền môn phú hộ khi uống chè lại lười không muốn pha lấy, thường giao cho tiểu đồng đày tớ pha phách, thì tất phải dùng đến siêu đồng để cho nó tiện mà lâu vỡ, thì không phải bàn làm chi nữa.
Khoảng năm Cảnh Hưng, ở Tô Châu có chế ra một thứ hoả lò đem sang bên ta để bán, và một thứ than tàu đều là những đồ dùng của khách uống chè phải cần đến, người ta đua nhau chuộng dùng. Song gần đây đã có người biết cách chế ra cũng bắt chước luyện than lại mà hầm lửa, nắm đất lại mà nắn lò, đọ với kiểu của Tàu cũng chẳng khác gì, người ta cũng ưa chuộng”.
Văn hóa trà ở việt nam phát triển mạnh trong giai đoạn cuối tk XIX và đầu tk XX
Nhà hoạt động cách mạng Trung Quốc Tôn Trung Sơn (1866 – 1925) mở một quán trà tại phố Hàng Buồm của Hà Nội, để làm vỏ bọc cũng như là điểm liên lạc cách mạng trong thời gian ở Hà Nội. Bởi cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, số lượng người sử dụng chè tàu càng trở nên nhiều hơn. [ theo Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu 1970]
Trong rất nhiều báo chí, cũng như sách vở thường hay nêu cao nghệ thuật và văn hóa trà của người Trung Quốc và người Nhật, chứ rất ít nói đến văn hóa và nghệ thuật uống trà/chè của người Việt, mặc dù thức uống này của chúng ta đều mang dặc điểm riêng biệt so với Nhật Bản và Trung Quốc. Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia ở gần với nền văn hóa của Trung Quốc, chính vì thế có rất nhiều cơ hội để tiếp thu và chọn lọc những tinh hoa, nhưng cách tiếp cận lại khác nhau. Đối với Nhật Bản là sự tiếp cận có chủ động, tiếp nhận hoàn toàn từ cây chè, tới cách thưởng thức trà từ Trung Quốc một cách bài bản, rồi từ đó cải biến thú thưởng trà thành Trà Đạo, và làm nó trở thành một tôn giáo trong nghệ thuật sống. Còn đối với việt Nam chỉ là tình cờ tiếp nhận văn hóa và nghệ thuật trà Tàu, mà đối tượng tầng lớp trên của xã hội ngày xưa mà ngày nay người ta chỉ nhắc tới nó như một kỷ niệm hoài cổ.
Văn hóa trà Việt và nghệ thuật thưởng trà theo nguyên tắc “trà dư, tửu hậu”
Đối với văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà của người Trung Quốc thường là uống trà để thưởng ngoạn, thư giãn, xua tan mệt mỏi, căng thẳng, cũng như hàn huyên tâm sự với người bạn try kỷ. Còn đối với Nhật Bản thì lại chú trọng nhiều hơn về nghi lễ, quy tắc và nghi lễ sẽ phản ảnh nội tâm của các Thiền Sư. Còn Văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà của người Việt được dựa trên nguyên tắc “trà dư, tửu hậu ”, đây chính là sự dung hòa giữa cái thưởng ngoạn của người Trung Quốc và cái nghi lễ của người Nhật Bản, cùng với đó là sự kết hợp của sự nhàn nhã của người Việt, tất cả điều này nói lên được nên văn hóa bao quát, dung hòa, phản ánh được tư duy tổng hợp, tiếp nhận cải tiến nhưng không mất đi bản sắc riêng của mình.
Với nét đặc trưng của văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà của Trung Quốc là đi theo sự quý tộc hóa với các nghi thức, chú ý đặc biệt tới hương vị của trà nhiều hơn, còn đôi với người Nhật lại đem đến sự tối giản, giản dị trong hầu hết các nghi thức được đặt ra trong quá trình thưởng trà, còn người Việt ta lại đi theo hướng dân dã, hòa đồng và mộc mạc với nét đặc trưng của lá chè tươi, cùng với đó là phong thái bình dị, chân tình nhưng đậm đà bản sắc.
Văn hóa trà Việt và nghệ thuật thưởng trà luôn có nét đẹp riêng
Trong xã hội hiện đại, với rất nhiều nền văn hóa được du nhập, cùng với đó là sự nảy phát triển của vô vàn các loại thức uống khác nhau, nhưng trà là một loại thức uống vẫn tồn tại song song và vô cùng mạnh mẽ, bởi nó thân quen và trở thành văn hóa trà, ấy thế mà trong hầu hết các gia đình người dân Việt Nam đều có bộ ấm trà, và trà là thức uống mà chúng ta có thể thưởng thức ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Người Việt Nam luôn có triết lý riêng trong cuộc sống, với một phong thái quân bình, ung dung, cũng như mang đến một sự giản dị đến chân thực, trong cả việc nhỏ hay việc trọng đại thì cũng đều nằm trong một nền văn hóa nhận thức và đồng thời nhận thức con người và vũ trụ, rồi từ đó hòa mình vào vụ trụ, sống và phát triển một cách hợp tự nhiên, theo sự vận hành của âm dương trong vũ trụ vạn vật.
Với tư cách là “ngã tư đường của các cư dân và các nền văn hóa”, văn hóa Việt Nam và người Việt Nam có một giá trị quan trọng là tính sáng tạo và tính dung hợp, thể hiện ở việc “không chối từ” (non-refus). Bởi vậy, trong xã hội hiện đại, nên người Việt Nam vẫn uống nước mưa, nước giếng, nước vối, uống chè xanh,.. đồng thời sáng tạo ra “trà đá”, và cũng không từ chối trà Lipton, trà sâm, nước khoáng Lavie, nước ngọt Coca-cola, Fanta,..
CHÈ VÀ VĂN HOÁ TRÀ / GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm
Được viết và trình bày trong buổi sinh hoạt ở Câu lạc bộ Trà của sinh viên Tp. HCM tại Nhà văn hóa Thanh niên vào dịp tất niên 2005